Một nghiên cứu mới hé lộ sinh vật nhỏ bé giống tôm sống cách đây 508 triệu năm mang trong mình hơn hai chục quả trứng hóa thạch chứa phôi thai.
Trứng của Waptia fieldensis được tô đậm bằng màu tím trong ảnh quét của kính hiển vi điện tử. Ảnh: Bảo tàng Hoàng gia Ontario.
Theo Live Science, các nhà nghiên cứu tìm thấy mẫu vật năm 1912 ở Burgess Shale trên dãy núi Rocky của Canada, một địa điểm nổi tiếng với những hóa thạch kỷ Cambri. Những mẫu hóa thạch dài 7,5 cm thuộc về một loài tên Waptia fieldensis.
Khi xem xét lại hóa thạch W. fieldensis, các nhà cổ sinh vật học kiểm tra 979 mẫu vật từ Bảo tàng Hoàng gia Ontario, Canada và 866 mẫu vật tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonia ở Washington D.C, Mỹ.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Current Biology hôm 17/12, các nhà khoa học nhận thấy có 5 mẫu vật từ bộ sưu tập của Canada chứa trứng, một biểu hiện của hành vi chăm sóc con non. Ví dụ, loài kangaroo chăm sóc con non bằng cách mang con trong túi. Điều này giúp tăng cường thể trạng cho con non.
"Là dẫn chứng trực tiếp cổ xưa nhất cho việc chăm sóc con non của động vật, phát hiện giúp chúng ta tăng thêm hiểu biết về kỷ Cambri, một thời kỳ phát triển tiến hóa nhanh khi phần lớn các nhóm động vật chính được lưu lại trong ghi chép hóa thạch", Jean-Bernard Caron, người phụ trách cổ sinh vật học không xương sống ở Bảo tàng Hoàng gia Ontario kiêm phó giáo sư khoa Khoa học Trái Đất, Sinh thái học và Sinh học tiến hóa tại Đại học Toronto, Canada, cho biết.
W. fieldensis là tổ tiên của động vật chân đốt hiện đại, nhóm này bao gồm những loài không xương sống như tôm, bướm và bọ cạp. Phân tích chi tiết dưới kính hiển vi hé lộ hình dáng cơ thể của loài vật, với kết cấu giáp hai mảnh che phủ phần trước cơ thể phía gần đầu. Các nhà nghiên cứu nhận thấy có một cụm vật thể hình trứng ở mặt dưới giáp. Theo Caron, kết cấu giáp giúp loài vật giữ những quả trứng và chăm sóc con non.
Ngoài ra, cụm hình trứng được sắp xếp thành một lớp ở mỗi bên cơ thể, những quả trứng dài hai milimet gần như không bị đè lên nhau. Một số con có trứng cách đều nhau, trong khi trứng trong các con khác xếp sát nhau. Sự khác biệt này nhiều khả năng là do góc chôn vùi giữa các con vật khác nhau.
"Sinh vật này góp phần mở rộng hiểu biết của chúng tôi về sự phong phú trong cách chăm sóc con non của động vật chân đốt thuở sơ khai", Jean Vannier, nhà địa chất học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ.
Vannier so sánh W. fieldensis với một loài chân đốt cổ đại khác tên Kunmingella douvillei, được phát hiện qua mẫu hóa thạch 515 triệu năm ở Trung Quốc. K. douvillei cũng mang trứng bên mình, nhưng những quả trứng không chứa phôi thai và nằm ở vị trí thấp hơn của cơ thể, gắn với phần phụ.
"Kích thước trứng tương đối lớn với số lượng trứng nhỏ ở W. fieldensis tương phản với lượng lớn trứng nhỏ tìm thấy ở Kunmingella douvillei. Và dù K. douvillei xuất hiện trước W. fieldensis khoảng 7 triệu năm, trứng của chúng không chứa phôi thai", Vannier nói.
Phương Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét