Nguồn gốc những vật màu đỏ máu rạch ngang qua bề mặt mặt trăng Tethys của sao Thổ vẫn còn là bí ẩn thách thức các nhà khoa học.
Vệt màu đỏ máu bí ẩn trên bề mặt Tethys. Ảnh: NASA/JPL-Caltech/SSI.
Theo National Geographic, Tethys là một trong bảy mặt trăng lớn của sao Thổ và có cấu tạo chủ yếu từ băng. Bề mặt của nó khá giống với những mặt trăng khác ở vành ngoài hệ Mặt Trời. Nó có nhiều miệng hố và các vết nứt. Ngoài ra, bề mặt Tethys cũng xuất hiện những vệt cong màu đỏ máu rộng vài km và dài hàng trăm km.
"Chúng tôi chưa hiểu rõ về các vệt đỏ máu xuất hiện trên bề mặt mặt trăng Tethys", Paul Schenk, tiến sĩ thuộc Viện Hành tinh và Mặt trăng, phát biểu trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ hôm 15/12.
Tàu vũ trụ Cassini của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện những vệt đỏ này vào tháng 4/2004. Những hình ảnh ban đầu mà NASA thu được khá mờ. Nhưng sau chuyến bay của tàu vào tháng 11 vừa qua, các nhà khoa học có quan sát rõ nét hơn về chúng.
"Chúng tôi không thấy bất cứ dấu vết nào của đồi núi hay biến động địa chất", Schenk cho biết. Điều này có nghĩa là những vệt đỏ này không liên quan đến địa hình ở nơi đây. Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn phát hiện ra vật chất tối kỳ lạ bên trong những miệng hố gần đó. Họ chưa thể đưa ra giải thích về nguồn gốc của loại vật chất đó cũng như ảnh hưởng của chúng tới những vệt đỏ này.
Khi Schenk vẽ bản đồ các vệt đỏ trên bề mặt Tethys, ông nhận ra mô hình cho thấy mặt trăng này có thể bị biến dạng dưới sức ép lớn như quỹ đạo chuyển động bất thường hay sự dịch chuyển của hai cực. Nhưng mô phỏng các quá trình trên không tạo ra địa hình trùng khớp với vị trí những vệt đỏ.
Miệng hố khổng lồ Odysseus trên Tethys rộng 450 km và sâu 10 km. Ảnh:NASA/JPL-Caltech/SSI.
Dấu vết của những vệt đỏ này tương đối mới. Thông thường, bụi trong vành đai E của sao Thổ và các phân tử mang điện tích từ không gian sẽ xóa sổ những vệt. Nhưng chúng vẫn tồn tại và thậm chí còn xuất hiện trên miệng hố Odysseus có từ hơn hai tỷ năm trước theo ước tính của Schenk.
Giả thuyết hợp lý nhất mà Schenk đưa ra là những vệt đỏ này có liên quan đến các vết nứt đang hình thành hoặc mới được kích hoạt trên bề mặt sao Thổ mà tàu vũ trụ Cassini không thể chụp rõ. Những vết nứt mới này làm lộ ra dạng vật chất khác hoàn toàn với băng đá ở các nơi còn lại trên bề mặt vệ tinh.
Thùy Dương - Theo : vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét