Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Máy lọc nước uống của bạn có đạt tiêu chuẩn của bộ y tế ?

Buổi hòa giải giữa ông Phạm Anh Tuấn (ở P.15, Q.Gò Vấp) với đại diện của Công ty TNHH L.U.X (Q.Phú Nhuận) tại Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM về thiết bị máy lọc nước mà Công ty L.U.X bán cho ông Tuấn đã bất thành.


Ông Tuấn đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để khởi kiện L.U.X. Ông Tuấn cho rằng Công ty L.U.X quảng cáo không đúng về máy lọc nước uống đã bán cho gia đình ông, khiến sau ba năm sử dụng gia đình mới “tá hỏa” rằng nguồn nước của nhà ông chẳng được xử lý gì cả.
Theo trình bày của ông Tuấn, ông đã tự lấy mẫu nước giếng mà gia đình đang sử dụng (chưa qua thiết bị lọc) đi thử tại Viện Pasteur với kết quả nguồn nước không an toàn. Hai tháng sau, nhân viên của Công ty L.U.X đến khảo sát nguồn nước. Người này đề nghị mang đến cho gia đình ông Tuấn một giải pháp để có một nguồn nước sạch tinh khiết, đạt đủ các tiêu chí của Bộ Y tế ban hành về nước ăn uống sinh hoạt, gồm 13 chỉ tiêu về lý hóa và năm chỉ tiêu vi sinh, thông qua máy lọc nước hiệu Aquaguard GW 880.
Gia đình ông Tuấn đồng ý mua máy với giá 440 USD và lắp đặt, thời gian bảo hành máy hai năm. Sau nửa tháng mua máy, ông Tuấn yêu cầu công ty xét nghiệm lại nguồn nước sau khi lắp đặt thiết bị lọc. Kết quả ngoài sức mong đợi của gia đình: nồng độ amoniac chỉ còn 0,5mg/l, độ pH lên 7,82, nồng độ Fe chỉ còn 0,02mg/l, nghĩa là ở trong tiêu chuẩn cho phép. Trong suốt ba năm sử dụng, ông Tuấn đã thực hiện đầy đủ các khoản đóng phí khác theo yêu cầu của Công ty L.U.X như phí bảo trì, phí thay thế lõi lọc qua các đợt kiểm tra định kỳ.
Người khác cũng vậy không chỉ một mình ông Tuấn rơi vào trường hợp nói trên, ông Hoàng Kim Hùng (ở P.15, Q.Gò Vấp) cũng mua máy lọc nước uống của L.U.X . Nhưng hơn một năm qua, “tôi đã trùm mền cái máy đó vì kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur cho thấy một loạt tiêu chí vi sinh và hóa lý không đạt. Đến nay không thấy công ty giải quyết cho gia đình tôi” – ông Hùng nói. Tương tự, ông Đặng Đình Nhật Chinh ở P.12, Q.Gò Vấp cho biết kể từ lúc mua máy, công ty ông đã không sử dụng được vì các xét nghiệm của Viện Pasteur cho thấy không đạt chuẩn.
Hết hạn bảo hành, theo đề nghị của L.U.X, ông Tuấn lại mua tiếp hợp đồng bảo trì máy. Đầu tháng 10-2007, để kiểm tra lại độ an toàn của nước dùng, ông Tuấn đã tự lấy mẫu nước đang dùng bấy lâu đi thử tại Viện Pasteur. Kết quả trả về làm ông “muốn xỉu”: nồng độ amoniac nhảy vọt lên 4,90, tức cao hơn đợt xét nghiệm sau khi ông Tuấn lắp máy đến 4,4 và vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần! Càng “sốc” hơn nữa khi nhân viên bảo trì máy của L.U.X cho ông Tuấn biết thiết bị lọc nước mà gia đình đang sử dụng bấy lâu không hề có chức năng xử lý… amoniac! Khẳng định này được giám đốc bán hàng của L.U.X là ông Trần Đình Hoài tái xác nhận khi ông Tuấn đã “giả” làm khách hàng đến Công ty L.U.X nhờ tư vấn về việc mua máy.
Quá thất vọng về sản phẩm của công ty, ông Tuấn đề nghị được trả lại máy và nhận tiền bồi hoàn. Tuy nhiên, tại buổi hòa giải… bất thành, bà Phạm Thị Quỳnh Hoa, giám đốc thương vụ của L.U.X, cho rằng do không thể biết được chất lượng nguồn nước đầu vào của nhà ông Tuấn tại thời điểm hiện tại, máy cũng qua thời hạn bảo hành nên không có cơ sở kết luận sản phẩm của L.U.X “có vấn đề”. Sáng 8-11, ông Christoph Hennefeld, giám đốc kinh doanh Công ty L.U.X, khẳng định thiết bị máy lọc nước uống của L.U.X cung cấp ra thị trường chỉ có thể xử lý được sáu chỉ tiêu liên quan đến nguồn nước, bao gồm độ cứng, độ pH, clorua, chất cặn, vi sinh và mùi. Đồng thời lý giải về việc nồng độ amoniac có trong nước của ông Tuấn sau kết quả xét nghiệm lần thứ ba cao hơn kết quả xét nghiệm ông Tuấn đi cùng nhân viên L.U.X hồi năm 2004, ông Hennefeld cho rằng “có thể do nguồn nước nhà ông Tuấn… đã thay đổi (!)”.
“Nếu ngay từ đầu nhân viên bán hàng của L.U.X nói rằng thiết bị lọc nước của công ty không xử lý được một số các chỉ tiêu xét nghiệm, trong đó có amoniac, thì gia đình tôi đâu có mua máy về dùng làm gì” – ông Tuấn nói. Sẽ ghi nhận “Thực tế hiện nay chúng ta chưa có tiêu chuẩn nào để kiểm tra chất lượng các loại thiết bị lọc nước thật sự lọc đúng, lọc đủ loại tạp chất như doanh nghiệp quảng cáo hay không. Mặt hàng này cũng không nằm trong danh mục sản phẩm hàng hóa buộc phải kiểm tra nhà nước về mặt chất lượng nên cũng khó lòng kiểm soát” – ông Nguyễn Ngọc Trân, phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, thừa nhận. Thực tế trên cho thấy hầu hết người tiêu dùng sử dụng các loại thiết bị lọc nước đang bày bán trên thị trường đều ít có ý định tái xét nghiệm nguồn nước sau một thời gian sử dụng, vì cho rằng “đều tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu bảo trì, bảo dưỡng hoặc kiểm tra máy lọc định kỳ của đơn vị cung cấp nên chất lượng nguồn nước chắc không thay đổi”. Trong khi đó, theo thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân – trưởng khoa sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM), với thiết bị lọc nước, cái quan trọng là nguồn nước khi đi vào cơ thể con người phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về nguồn nước ăn uống sinh hoạt mới được gọi là một thiết bị lọc an toàn và chất lượng. “Từ các sự việc phát sinh từ thực tế, chắc chắn chúng tôi sẽ ghi nhận để đưa vào danh mục ngành hàng có cần thiết để Nhà nước quản lý hay không, đặc biệt là những thiết bị có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và cộng đồng” – ông Trân nói.
TRẦN VŨ NGHI Việt Báo (Theo_Tuổi Trẻ )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét