Việc sửa file .po mình đã có nói sơ qua bằng minh họa video hướng dẫn tự dịch Woocommerce, đồng thời mình cũng có nói thêm cách tạo mới một file .po qua bài cách tạo file ngôn ngữ cho theme/plugin WordPress, chung quy là mình đã hướng dẫn sử dụng phần mềm PoEdit để hỗ trợ dịch các file .po này chính xác hơn.
Tuy nhiên, có một vấn đề là thời gian dịch thủ công quá lâu với những gói ngôn ngữ cho hàng nghìn phân đoạn khác nhau nên nếu bạn làm xuyên suốt thì có thể phải mất vài ngày để hoàn thành, còn nếu làm tà tà thì mất cả tuần như chơi. Cũng để giải đáp thắc mắc cho một số bạn có yêu cầu, mình xin giới thiệu qua một số công cụ hỗ trợ dịch file .po nhanh hơn nhờ vào cơ chế dịch tự động, gợi ý, đồng thời có thể tự tạo ra một bảng thuật ngữ riêng để nó tự dịch các từ chuyên môn theo ý của mình vì với cách này, bạn có thể bỏ qua các chữ đã được dịch chính xác nên thời gian rút ngắn lại rất nhiều.
1. Google Translate Toolkit (miễn phí)
Google Translate là cỗ máy dịch thuật lớn nhất thế giới hiện nay với sự chính xác dịch ngôn ngữ (các đoạn text ngắn) trở nên ngày càng chính xác về cả ý nghĩa lẫn ngữ pháp. Thật tuyệt vời nếu như chúng ta có thể sử dụng công cụ này trong việc tự động dịch các chữ trong file .po sang một ngôn ngữ khác tùy thích, việc của bạn còn lại chỉ là xem lại các chữ đã dịch xem có chính xác hay chưa, nếu chưa thì sửa lại. Không chỉ thế, bạn có thể mời bạn bè vào cùng dịch và sử dụng bộ thuật ngữ riêng do bạn tạo ra để hỗ trợ tự dịch các cụm từ chuyên môn mà Google Translate bó tay.
Ban đầu khi upload file ngôn ngữ lên, nó sẽ khuyến khích bạn sử dụng dịch vụ dịch thuật thủ công nhưng dịch vụ này có giá khá cao nên bạn chỉ cần bỏ qua và dịch thủ công như mình đã đề cập ở trên.
2. Potrans (miễn phí)
Có thể bạn là một tay lập trình viên hạng nặng và có thể ghét những công cụ sử dụng GUI như Google Translate Toolkit mà muốn sử dụng các đoạn lệnh thuần túy để làm việc nhanh hơn thì mã nguồn Potrans là dành cho bạn, đây là một mã nguồn sử dụng kèm theo Composer để hỗ trợ tự dịch một file .po sang ngôn ngữ cần chuyển, và tất nhiên nó sử dụng Google Translate API để hỗ trợ dịch nên kết quả xuất ra không khác gì với Google Translateb Toolkit cả.
3. Po Auto Translator (miễn phí)
Một công cụ dành cho máy tính hệ điều hành Windows hoặc Linux để hỗ trợ tự động dịch file ngôn ngữ, bạn có thể chọn công cụ này như một giải pháp dễ sử dụng vì cả 2 công cụ ở trên có thể cần một số thiết lập ban đầu hoặc nhiều người chưa quen. Tuy nhiên PO Auto Translator có một nhược điểm là dịch khá lâu, không thể dịch được 100% và khi xuất ra, bạn phải gõ tên là tên-file.po để có thể dùng PoEdit xem lại và sửa chữa rồi xuất ra file .mo để sử dụng.
4. PoEditor (trả phí)
Có thể bạn sẽ thấy chút nghi ngờ vào các công cụ mở miễn phí vì có phần dịch hơi ngây ngô và không chính xác. Vậy thì hãy thử qua công cụ PoEditor, tuy rằng đây là dịch vụ trả phí nhưng với tài khoản miễn phí, bạn sẽ được tự động dịch tối đa 10.000 ký tự nên có thể sử dụng một file nho nhỏ để thử nghiệm sự tối ưu của nó.
Sở dĩ chức năng tự dịch của PoEditor tối ưu là vì nó pha trộn giữa hai công cụ Google Translate và Bing lại để tìm ra một từ thích hợp nhất để bạn sử dụng, và nó cũng tự động nhớ lại các từ khóa quan trọng mà bạn đã sửa lại cho các lần dịch sau nhằm gia tăng độ chính xác và giảm tối thiểu thời gian chỉnh sửa.
Bạn chọn công cụ nào trong danh sách này? Mình thì hiện tại đang sử dụng Google Translate Toolkit vì nó khá mạnh và hoàn toàn miễn phí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét