Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Có nên nhân bản rùa hồ Gươm

Tổ chức quốc tế đề xuất với Hà Nội nên lưu trữ và bảo quan mô sớm nhất để thực hiện nhân bản rùa Hoàn Kiếm trong tương lai.

Theo Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP), trình độ khoa học và công nghệ hiện nay có thể khôi phục rùa Hoàn Kiếm và đưa loài rùa mai mềm này trở lại hồ Gươm trong tương lai, bằng phương pháp nhân bản.

Để làm điều đó, ATP cho rằng, việc thu thập và bảo quản mẫu mô sống của động vật ngay khi chết cần được thực hiện càng sớm càng tốt, bởi những mẫu mô này quyết định đến sự thành công của quá trình nhân bản sau này.

"Trước mắt cần nhanh chóng thu thập mẫu mô của rùa trước khi các mô và tế bào sống bị phá hủy, không còn hữu dụng. Mẫu mô có thể thu thập từ các cơ quan như khí quản, tim, mô liên kết dưới xương mai hoặc cơ quan sinh sản. Mỗi mẫu có kích thước rất nhỏ là một cm3", Tim MacCormack, chuyên gia ATP nói.



Các chuyên gia cho rằng để bảo tồn rùa hồ Gươm thì cần thực hiện biện pháp nhân bản vô tính, giống như từng thực hiện với cứu Dolly trước đây.


Cho rằng công nghệ thu thập và bảo quản mô vẫn còn khá mới ở Việt Nam, nhưng đại diện ATP cho rằng, phương pháp này cần được xem xét bởi không có nhiều lựa chọn cho công tác bảo tồn loài rùa quý, hiếm; và với sự giúp đỡ của các nhà khoa học thì việc này có thể thực hiện được.

Giáo sư Lê Đình Lương, Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Việt Nam đánh giá, nhân bản vô tính sẽ là phương pháp tối ưu hiện nay trong việc bảo tồn rùa hồ Gươm. Nhưng ông lo ngại biện pháp này có chi phí lớn và còn mới mẻ ở Việt Nam.

Đồng tình với đề xuất trên nhưng ông Đỗ Thanh Hào, Trung tâm rùa quốc gia Cúc Phương lo lắng khi biện pháp trên ở Việt Nam còn khá lạ lẫm và bản thân không muốn thực hiện nhân bản vô tính với bất kỳ loài động vật nào trên thế giới. "Đó chỉ là giải pháp chữa cháy chứ không tận gốc. Tôi không muốn bất kỳ loài nào có tương lai giống rùa Hoàn kiếm", ông nói.

Câu chuyện nhân bản rùa từng được giới khoa học đưa ra trước đây, nhưng vấp phải ý kiến trái chiều từ phía các nhà khoa học. Một số cho rằng việc nhân bản vô tính là không nên làm bởi khiến con vật sinh ra mất khả năng miễn dịch, dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, trên thế giới hiện chưa từng có nghiên cứu nhân bản rùa vì thế việc làm trên vô tình biến rùa hồ Gươm thành "mẫu thí nghiệm". Ngoài ra, tuổi thọ của thế hệ sau sẽ không cao cũng khiến giới chuyên gia cho rằng nên cân nhắc.

Rùa hồ Gươm chết tối 19/1 ở khu vực phía đường Lê Thái Tổ, sau đó giới chức Hà Nội đưa nó về Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam để thực hiện việc phục dựng tiêu bản. Phó giáo sư Hà Đình Đức đề nghị nên đưa tiêu bản vào Trung tâm văn hóa ở gần hồ Hoàn Kiếm.


Nhân bản vô tính là phương pháp sinh sản đơn không thông qua thụ tinh (không phân biệt giới tính). Bằng phương pháp này, các cá thể có thể được tạo ra từ một tế bào lấy từ nguyên bản. Phương pháp này lần đầu được công bố trên thế giới với sự ra đời của chú cừu Dolly năm 1997.


Phạm Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét