Nước mắt mẹ Trái Đất đã và đang rơi bởi những thành quả và điều tệ hại của đứa con “lắm tài, nhiều tật” này. Đấy là loài người chúng ta tự cho mình là tài giỏi có thể tạo dựng nên tất cả của cải vật chất rồi bất chấp tàn phá thiên nhiên, nơi mà mẹ Trái Đất đã cho chúng ta cuộc sống…
Mẹ Trái Đất đang khóc
Mẹ Trái Đất đã sinh ra muôn loài, từ những sinh vật đơn bào – anh cả của sự tiến hóa, lớn tuổi hơn loài người 3,5 tỷ năm đến loài người – người em út trong ngôi nhà xanh nhỏ bé.
Chia sẻ khi tham gia cuộc thi “Bảo vệ môi trường” trên Báo Điện tử VnExpress, bạn Thiện Thông Hiếu nói rằng chúng ta đang tự hào là loài động vật bậc cao nhất, đạt được những thành quả oanh liệt nhất. Chúng ta đang có hàng vạn sinh ngữ và hệ thống chữ viết tương ứng để có thể chia sẻ, trao đổi, học tập.
Chúng ta tìm ra cách tích lũy tri thức bằng truyền miệng, ghi lại bằng giấy, bộ nhớ điện tử… Chúng ta đang có cơ sở hạ tầng trải khắp hành tinh được lắp ghép từ tri thức, đất, đá, kim loại, mồ hôi, nước mắt… và máu. Chúng ta được đáp ứng mọi nhu cầu chỉ bằng một click… Chúng ta thực sự là ông chủ lớn của hành tinh nhỏ bé này.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng: “Tại sao ta lại có thể đạt được những thành quả vĩ đại như vậy?”. Đại đa số sẽ trả lời sai rằng: “Loài người tài giỏi” hay tương tự thế mà không bao giờ nghĩ rằng mẹ Trái Đất đã cho chúng ta tất cả những điều đó. Mọi thứ đã sẵn có và con người phân tích, phân loại, hệ thống, lắp ghép thành những sản phẩm và lầm tưởng rằng là của “tôi”. Điều này chẳng khác gì ngồi trên đầu người khổng lồ và hét to rằng: “Tôi là người cao nhất” hay vơ những thứ của người khác thành thứ của mình không một chút ngại ngần.
Chúng ta luôn nghĩ tới thành quả mà quên đi hậu quả của mình tạo ra, sẵn sàng đánh đổi một thành quả và đồng thời tác động vào môi trường một cách vô tư. Chúng ta sản xuất ra những sản phẩm để sử dụng – đạt những nhu cầu của ta và cuối cùng những thứ mà ta đã nâng niu, tự hào, sử dụng… biến thành rác. Điều này diễn ra hàng ngày, hàng giờ, nhân với một con số kỷ lục 7.000.000.000.
Khựng lại suy nghĩ một chút và xóa nhòa đi hết những niềm tự hào vì những thành quả vĩ đại… Hãy đặt câu hỏi rằng: “Mẹ Trái Đất sẽ chịu đựng được bao lâu với đứa con hư này?” Vậy mà mẹ vẫn ngậm đắng nuốt cay về những người con bất hiếu, rồi hiền hòa nhận vào lòng mình những lỗi lầm của đứa con thơ dại. Nước mắt mẹ đã rơi bởi những thành quả và điều tệ hại của đứa con “lắm tài, nhiều tật” này.
“Trẻ con” có quyền làm bất cứ việc gì dù đúng hay sai, chẳng bao giờ chịu nghe lời và học hỏi những bài học đơn giản từ người anh tiến hóa. Chúng ta tung hoành ngang dọc, hút cạn mọi “máu” và “nước mắt” của đất mẹ, sẵn sàng triệt phá rừng làm nguyên liệu cần thiết cho những nhu cầu thiết yếu.
Tuy nhiên, loài người mà chẳng đoái hoài gì tới lá phổi xanh của thế giới – nó đã bị phá hủy 2/3 diện tích kể từ sự xuất hiện loài người. Điều này chẳng khác gì Vladimir Ilyich Lenin bị cắt đi 2/3 lá phổi sau vụ ám sát năm 1921. May mắn chỉ cho ông thêm ba năm nữa để sống và chiến đấu cho Đảng Cộng Sản.
Liên tưởng trên khiến cho ai đang hiểu mẹ Trái Đất phải giật mình và ngay lập tức đặt ra câu hỏi rằng: “Ngày tận thế đã đến?”. Loài người đứng trên đỉnh vỗ ngực oai phong rằng ta là nhất. Tuy nhiên, chúng ta chẳng chịu nhìn xuống dưới, nơi mà một bãi rác đang không còn chỗ chứa. Loài người đang phải đi cà kheo trên rác, sống chung với rác. Hàng loạt những căn bệnh mới xuất hiện vượt cả sự phát triển thần kỳ của y học.
Chúng ta đã quên đi người đã sinh ra ta, người đã “thai nghén” ta trong suốt 3.496 tỷ năm (tính từ sinh vật đơn bào đầu tiên). Rồi mọi thứ muôn loài sáng tạo ra sẽ trôi vào hủy diệt nếu như những hành động của con người không được thay đổi ngay từ bây giờ.
Làm gì để bảo vệ mẹ Trái Đất
Trái Đất luôn hiện ra đầy màu sắc tươi đẹp của thiên nhiên và động thực vật, nhưng Trái Đất chúng ta đang sống còn là một thực thể bị tổn thương bởi những vấn nạn môi trường. Từ hiệu ứng nhà kính, khí hậu cực đoan, tới nạn ô nhiễm, rác thải, nguồn nước sạch…
“Bảo vệ mẹ Trái Đất là nhân tố xuyên suốt và nhất quán trong chiến lược phát triển của nhân loại”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon từng khẳng định điều này khi nhìn nhận, thiếu một môi trường bền vững thì các quốc gia không thể đạt được các mục tiêu xóa đói nghèo, cải thiện y tế và đảm bảo sự tồn tại của con người.
Theo tính toán, vào năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỉ người, chúng ta sẽ phải cần tới 3 Trái Đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của chính bản thân chúng ta.
Ngày Môi trường Thế giới 5/6 năm nay với chủ đề “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm – Vì một trái đất bền vững” nhằm kêu gọi con người hãy bảo vệ Trái Đất bằng những hành động thiết thực trong sản xuất, tiêu dùng vì đó là cách tốt nhất để phát triển bền vững.
Phát biểu tại Lễ mít tinh Ngày Môi trường Thế giới 2015 sáng 5/6 tại tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định: “Với chủ đề “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm – Vì một trái đất bền vững”, Ngày Môi trường Thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước”.
Nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kêu gọi cộng đồng xã hội tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm thật đơn giản như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu; cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, cơ quan, đường phố, công viên; có kế hoạch mua sắm thông minh dần loại bỏ thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, năng lượng để giảm thiểu những rủi ro thiên tai, ô nhiễm môi trường, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mang lại công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường góp phần đạt được mục tiêu thiên niên kỷ “đảm bảo bền vững về môi trường.”
Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét