Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Công nghệ đưa con người trở về từ cõi chết

Một công ty công nghệ sinh học ở Mỹ sắp tiến hành nghiên cứu gây tranh cãi, kích thích hệ thống thần kinh để khởi động lại bộ não của 20 bệnh nhân chết não.





Một bệnh nhân hôn mê sâu phải dùng máy trợ thở. Ảnh minh họa: Telegraph.


Theo Business Insider, công ty Bioquark hy vọng dự án ReAnima do họ hợp tác tiến hành cùng nhiều chuyên gia đầu ngành sẽ hé lộ khả năng đưa con người trở về từ cõi chết. Dự án ReAnima có sự tham gia của tiến sĩ Calixto Machado, nhà nghiên cứu thần kinh nổi tiếng, thành viên của Viện Thần kinh học Mỹ và được Viện Y tế Quốc gia Mỹ cấp phép tiến hành.

Nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm nhiều liệu pháp kết hợp trên tình nguyện viên, những người được chứng nhận chết não và phải sử dụng máy trợ thở. Họ sẽ áp dụng phương pháp tiêm tế bào gốc vào não, đưa những chất hóa học có lợi vào cột sống và kích thích hệ thần kinh.

Sau khi tiến hành mỗi liệu pháp, nhóm nghiên cứu sẽ giám sát hoạt động não của các tình nguyện viên trong vài tháng với hy vọng tìm thấy dấu hiệu phục hồi thần kinh. Trọng tâm của họ là phần trên cột sống, vị trí thấp nhất của cuống não chịu trách nhiệm kiểm soát chức năng hô hấp tim mạch của con người như hít thở và nhịp tim.

"Để thực hiện một liệu trình phức tạp như vậy, chúng tôi kết hợp các công cụ y học để phục hồi sinh học với những thiết bị thường dùng để kích thích hệ thần kinh trung ương ở bệnh nhân mắc hội chứng mất ý thức nghiêm trọng. Chúng tôi hy vọng có thể thấy nhìn kết quả trong vòng 2-3 tháng", Telegraph dẫn lời Ira Pastor, chủ tịch công ty Bioquark.

Hệ thần kinh trung ương là một hệ thống hóa sinh điện tử, sử dụng hợp chất sinh học gọi là chất dẫn truyền thần kinh để truyền tín hiệu điện tử đi khắp cơ thể. Khi kích thích nơ-ron bằng dòng điện trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, nơ-ron có thể phản ứng trước kích thích điện tử. Nhưng sau khi não chết, nơ-ron bắt đầu khô héo và thoái hóa, do đó để hồi sinh người chết não, nhóm nghiên cứu sẽ cần mô phỏng sự tái tạo nơ-ron.

Não là nơi tế bào gốc ra đời ở dạng nguyên sơ nhất và khác với mọi tế bào còn lại trong cơ thể. Dù có nhiều tiến trình sử dụng tế bào gốc để tái tạo tim, tuyến tụy, mắt hoặc mô não bị tổn thương, các nhà nghiên cứu vẫn cần trải qua chặng đường dài trước khi có thể tiêm tế bào gốc vào cơ thể, cho phép chúng tái tạo tế bào đã mất.

Các thử nghiệm bắt đầu ở Bệnh viện Anupam tại Rudrapur, Uttarakhand, Ấn Độ. Ở giai đoạn này, bệnh nhân chết não sẽ tiếp tục được tiêm peptide, đóng vai trò như chất dẫn truyền thần kinh cùng với tiêm tế bào gốc hai lần một tuần.


Phương Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét