Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Ảnh chụp từ kính viễn vọng Hubble hé lộ cái chết của Mặt Trời

Cơ quan Vũ trụ châu Âu công bố ảnh chụp từ kính viễn vọng không gian Hubble ghi hình một ngôi sao đang chết có khối lượng tương tự Mặt Trời, giúp các nhà khoa học dự đoán tương lai của Mặt Trời.





Ảnh chụp ngôi sao đang chết Kohoutek 4-55 có khối lượng tương tự Mặt Trời. Ảnh:NASA/ESA.


Hình ảnh những dòng khí xoáy phức tạp cung cấp nhiều gợi ý về số phận của Mặt Trời. Theo Sputnik News, Mặt Trời sẽ chết trong 5 tỷ năm. Các lớp vỏ ngoài của nó sẽ mất dần, để lộ phần lõi bốc cháy. Lõi Mặt Trời sau đó chỉ còn là lớp tro nguội mang tên sao lùn trắng.

Khi một ngôi sao già đi, những phản ứng hạt nhân giúp cho nó tỏa sáng bắt đầu chững lại. Quá trình sản sinh năng lượng kém ổn định này làm cho ngôi sao dao động một cách bất thường. Lớp vỏ bên ngoài ngôi sao rời ra và trôi vào không gian. Sau khi ngôi sao mất hết vùng khí bao phủ ngoài cùng, phần lõi siêu nóng của nó phát ra lượng lớn tia cực tím, bức xạ khiến lớp vỏ khí trôi lơ lửng rực sáng, tạo thành một tinh vân đẹp đẽ và mỏng manh.

Bức ảnh thể hiện tinh vân hành tinh Kohoutek 4-55, đặt theo tên nhà thiên văn học Luboš Kohoutec, ở cách Trái Đất 4.600 năm ánh sáng theo hướng chòm sao Cygnus. Tinh vân hành tinh hình thành từ nguyên liệu ở vỏ ngoài của một ngôi sao đỏ khổng lồ khi ngôi sao tiến đến giai đoạn cuối cùng. Hình ảnh được chụp từ Thiết bị ghi hình hành tinh phạm vi rộng 2 trên kính viễn vọng Hubble. Thiết bị này được lắp đặt vào năm 1993 và hoạt động cho đến năm 2009, cung cấp nhiều quan sát chưa từng có trong 16 năm tồn tại.

Bức ảnh là kết quả tổng hợp từ ba hình ảnh riêng lẻ. Mỗi hình ảnh chụp ở một bước sóng đặc biệt để phân biệt ánh sáng đến từ các nguyên tử khí cụ thể. Những bước sóng khác nhau được mã hóa bằng màu sắc để hỗ trợ nhận dạng. Màu đỏ chỉ ra khí nitơ, màu xanh lá cây đại diện cho khí hydro và màu xanh dương là khí oxy.

Phương Ho
a

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét