Trước thực trạng sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi, một giáo sư người Anh đã đến Việt Nam giới thiệu về nghiên cứu trong 25 năm qua của ông.
Tại hội thảo khoa học "Probiotics – Công nghệ đột phá nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi" vừa diễn ra, ứng dụng Probiotics bào tử bền nhiệt của giáo sư Simon Cutting, Đại học Royal Holloway (Anh) được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Probiotics là tập hợp các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa của động vật.
Giáo sư Simon Cutting dành 25 năm mới nghiên cứu thành công vi khuẩn có lợi giúp vật nuôi tăng trưởng tốt.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam từng đưa các ứng dụng của Probiotics vào thức ăn chăn nuôi, nhưng hầu hết là các vi khuẩn sống, khi chúng đi vào hệ tiêu hóa của con vật sẽ bị tiêu diệt và mất tác dụng hỗ trợ tiêu hóa cho vật nuôi. Các vi khuẩn có lợi giảm xuống, kèm theo đó là sức đề kháng của con vật không được đảm bảo. Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đưa chất tăng trọng hoặc kháng sinh vào vật nuôi để thu lợi nhuận cao.
Probiotics bào tử bền nhiệt của giáo sư Simon Cutting nghiên cứu trong 25 năm được cho là sẽ khắc phục nhược điểm trên. Theo vị giáo sư này, với lớp vỏ bào tử như chiếc áo giáp bao quanh vi khuẩn giúp chúng tồn tại ở môi trường pH thấp, chịu được nhiệt độ ép viên lên đến 95 độ C nên có thể ứng dụng trong sản xuất công nghiệp.
Lớp áo giáp này theo vi khuẩn đi vào các cơ quan nội tạng, đến ruột non gặp môi trường thuận lợi chúng bắt đầu sản sinh enzyme tiêu hóa các chất dinh dưỡng có trong thức ăn. "Tại vị trí ruột non, vi khuẩn có lợi sẽ đảm bảo việc hấp thụ dinh dưỡng, nâng cao đề kháng, ngăn cản sự xâm lấn của vi khuẩn gây hại", giáo sư nói.
Lực lượng chắc năng thời gian qua phát hiện nhiều chất cấm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thành viên nhóm nghiên cứu đến từ Anh cho biết, kết quả thực nghiệm trên loài lợn cho thấy, khi người dùng bổ sung Probiotics vào trong thức ăn chăn nuôi giúp giảm 60-70% tỷ lệ tiêu chảy, giảm việc sử dụng kháng sinh để phòng và điều trị bệnh đường ruột cho vật nuôi, từ đó tăng hiệu quả chăn nuôi.
Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Phạm Kim Đăng, Phó Trưởng Khoa chăn nuôi Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cấu tạo ở dạng bào tử nên việc bảo quản vi khuẩn có lợi này đơn giản và dễ dàng hơn nhiều so với vi khuẩn sống. "Việc đưa ứng dụng probiotics 100% bào tử bền nhiệt vào thực tiễn đời sống sản xuất là hoàn toàn khả thi để nâng cao chất lượng thực phẩm trong bữa ăn", tiến sĩ Đăng nói.
Minh Khôi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét