Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Trên đỉnh “mù” seo

Các bác ạ, nhà em làm SEO bắt đầu từ khoảng cuối năm 2010. Trong cái quãng thời gian đủ để những nhà quản lý vĩ mô hoàn thành được cái kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ấy em đã nghe tới cả trăm lần người ta nói rằng: SEO ở Việt Nam đang phát triển!

Lúc đầu thì em cũng sướng, phần vì cả tin, phần vì đang làm SEO, cũng mong nó rực rỡ để mà được cậy, được nhờ. Ấy vậy mà rồi sau khi từ chỗ tin tưởng đến chỗ bán tín bán nghi thì cái thằng em cũng nhận ra rằng: Nó chẳng phát triển tẹo nào các bác ợ!

tren-dinh-mu-seo (2).jpg
Còn xanh và non lắm

Em cứ chăm chỉ cày backlink rồi gieo content trên cái mảnh đất khô cằn để rồi nhận ra mình đang tối ưu trên cái đỉnh “Mù SEO”…

Biết rằng rồi đây tha hồ bất đồng chính kiến, mà rồi nước bọt cứ gọi là tuôn như suối, mà gạch đá thì chất cao như những quả đồi. Nhưng thôi, cái miệng làm hại cái thân, cái nghiệp của em nó vậy. Trong lúc chờ “lên thớt” em cứ xin mạnh dạn trình bày cái suy nghĩ của bản thân.

Tại sao? Tại sao? và... Tại sao? 

Đôi khi em tự hỏi: tại sao Google, Facebook và nhiều doanh nghiệp của nước ngoài chỉ sau vài năm lại có thể trở thành doanh nghiệp hàng đầu, mà ở mình thì cứ gọi là chờ… dài cả cổ? Không phải em ăn rau muống rồi nói chuyện thời sự đâu, mà ngẫm ra thấy có vài vấn đề thế này.

Cơ chế chính sách

Cứ bảo công nghệ thông tin là mũi nhọn, rồi thì Việt Nam có tỉ lệ người sử dụng internet vào hàng cao nhất thế giới, tỉ lệ tăng trưởng cũng cao nhất. Từ đó đổ xô đi học IT, chán rồi chuyển qua làm SEO.

Nhưng mà rồi cũng chẳng có nổi một cái đề án nào để phát triển SEO, MO.

Còn bác nào đi xin giấy phép kiểu như: giấy phép mạng xã hội, thành lập trang thông tin tổng hợp (không nói báo chí nhé) mới thấy nó: KHÔNG ĐƠN GIẢN làm sao.

Còn nếu trót thành lập cái công ty liên quan đến SEO, MO thì cứ phải núp dưới cái danh nghĩa Công ty Truyền thông cho nó lành và dễ hiểu, lại tiện làm mấy cái loằng ngoằng khác ngoài SEO.

Đào tạo SEO

Người đi học SEO ngoài tự học và vào trung tâm, thỉnh thoảng được mấy tiền bối truyền cho ít kinh nghiệm tự dùi mài thì… chịu chết, muốn học cũng chẳng có chỗ nào bài bản để đeo đuổi.

Theo em được biết, duy nhất dưới trường Thương mại có khoa Thương mại Điện tử được học 2 tín chỉ về SEO, cơ bản cũng chỉ để giải thích: SEO là gì? Nhưng cũng như nhiều ngành học và trường học khác ở Việt Nam, cái giáo trình ngắn ngủi ấy nó đúng là đồ cổ từ thời nhà Tống.

Phải chăng SEO quá bé nhỏ để người ta phải mở một ngành học riêng cho nó? Giá như có một trường nào đó dạy cả SEO, adword, facebook… như học đại cương rồi 2 năm chuyên sâu vào một nhánh nào đó thì có lẽ chỉ sau 3 năm cũng ra lò được ối nhân tài.

Người làm SEO

Tự ti: Do không được đào tạo bài bản lại thiếu định hướng nên nhiều người làm SEO tự ti, không có chính kiến khi làm SEO. Nói chung là ai bảo đâu âu đấy, ba phải, cái gì cũng đúng, thích chạy theo xu hướng mà chẳng biết sở trường, sở đoản của mình là gì. Thấy cần link thì spam tới tấp rồi quay ra hỏi: ngày đi bao nhiêu link? Thấy bảo content là vua thì viết ào ào, spin các kiểu rồi quay ra hỏi: ngày viết mấy bài? Thấy bảo mạng xã hội tốt cho SEO thì +, like tối ngày rồi quay ra hỏi: bao nhiêu là đủ?

Chịu! Không trả lời nổi!

Tự tin: Cũng do không được đào tạo bài bản lại thiếu định hướng nên nhiều người làm SEO lại tự tin quá đáng. Cứ đọc mấy cái tin tuyển dụng thôi là biết. Đầy ông thất nghiệp dài dài, nhưng lương SEO 5 – 7 triệu thì chê ỏng chê eo. Nào là: sao thấp thế, công việc thế nào, thế này thì chỉ tuyển được newbie thôi… Nhiều người cứ gọi là hơi biết một chút thì tạo bang, lập phái, ai cũng tự nhận bí kíp đầy mình, mà rồi chẳng ai chịu ai. Bác nào cũng giỏi.

Chịu! Không đỡ nổi!

Ảo tưởng: Cứ bảo SEO thì giàu nhanh, SEO lương cao, không làm SEO nữa thì chuyển sang kinh doanh… Ở đâu ra có chuyện đó. Mà cứ cho rằng như thế đi thì vẫn theo qui luật cung cầu thôi, ở đâu có kiếm ăn được thì tất lại đổ xô vào đó. Tất cả rồi chỉ về với “cái máng lợn” mà thôi!

Thích làm anh hùng “ấp”: Nếu thấy ai làm ăn được chút, thay vì mở ra dịch vụ hỗ trợ nhau thì lại cứ thích đâm đầu vào cạnh tranh trực tiếp với nhau. Nhất là cứ làm với nhau một thời gian lại tách ra cạnh tranh ngược trở lại. Xét cho cùng chỉ là tự làm bé, làm yếu nhau đi, còn lâu mới giàu được. Từ anh hùng “ấp” tới côn đồ “thôn”, xét cho cùng cũng chỉ là trong cái trong cái “ao làng” tí tẹo.

Thiếu kỉ luật: Đi muộn, về sớm, báo cáo chậm, tranh thủ làm việc riêng… thôi thì đủ cả. Chẳng ai nghĩ đến việc muốn quản lý tốt thì trước tiên phải là nhân viên tốt. Mình chẳng quản nổi mình, mình chẳng tin được mình thì tin ai được, quản ai được.

Thiếu trách nhiệm: Từ khóa có chút biến động thì kêu toáng lên, rồi thì đổ tại. Buồn cười nhất là đổ cho chính Google, rồi thì đổ cho đồng nghiệp cùng làm, đổ cho “cái thằng trước không biết SEO”, đổ cho… sếp.

tren-dinh-mu-seo (1).jpg ​

Nói sơ vậy thôi, kể ra thì còn cả đống: Thiếu tinh thần tự học, không có khả năng tự nghiên cứu (chỉ hóng hớt, đặt gạch chờ xem ai có gì hay thì mang về làm của riêng); thích chém gió hời hợt, mất thời gian…

Nói đến đây cũng phải nói thêm rằng em không dám vơ đũa cả nắm vì đây đó vẫn có những cao thủ ẩn danh. Mà biết đâu phải ẩn cũng chỉ vì cái hỗn độn, xô bồ của giới làm SEO!?

Túm lại, chẳng hiểu trong mắt các bác, SEO ở Việt Nam nó đang phát triển thế nào. Chứ em thấy đúng là ta đang ở vùng trũng trên cái bản đồ SEO thế giới. Còn bác nào cho rằng ta đang ở trên đỉnh, thì đó chỉ có thể là: Trên đỉnh... “mù” SEO!
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét